Dịch vụ phiên dịch tại bệnh viện

DỊCH VỤ PHIÊN DỊCH TẠI BỆNH VIỆN

Giữ vai trò cầu nối ngôn ngữ để các y, bác sĩ tại các cơ sở y tế ven biển thuận lợi trong giúp người dân bên kia biên giới tăng cường công tác khám và điều trị bệnh… Thế nhưng, gần đây là bắt đầu có biểu hiện trục lợi.

THẦY THUỐC KHÔNG BIÊN GIỚI

Những năm gần đây, nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại nên chất lượng điều trị bệnh của đội ngũ thầy thuốc ở Bệnh viện đa khoa Hồng Ngự (BVĐKHN) tạo được niềm tin trong nhân dân, nhất là bà con Campuchia sống ven biên.

Bác sĩ Phan Văn Đấu, GĐ BVĐKHN cho biết, dù thường xuyên tổ chức những đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho bà con sống ven biên tỉnh Prey-ven (Vương quốc Campuchia) nhưng số lượng người bệnh tự túc sang bệnh viện khám, chữa bệnh mỗi năm một tăng. Hiện bình quân mỗi ngày BVĐKHN tiếp nhận khoảng 30-40 người bệnh sang khám và điều trị, chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân toàn bệnh viện. Bởi ngoài chất lượng trong chẩn đoán, điều trị, họ gắn bó với bệnh viện Việt Nam vì cái tình.

“Dù là người nước ngoài nhưng lâu nay chúng tôi vẫn áp dụng các chi phí khám chữa bệnh, chế độ chăm sóc ngang bằng, thậm chí có phần ưu tiên hơn người Việt”, ông Trần Văn Hai, Phó phòng Kế hoạch – Tài chánh, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh: “Ngoài việc vận dụng chính sách miễn phí đối với bệnh nhân dưới 6 tuổi, chúng tôi còn trực tiếp miễn giảm cho các đối tượng khó khăn, người có sổ hộ nghèo do nước bạn cấp”.

Ngoài ra, còn có một lý do: Do các thầy thuốc bên ấy tin tưởng giới thiệu. Bởi vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Đồng Tháp mở khoá đào tạo 2 lớp với khoảng 80 y sĩ cho Prey-ven. Nhiều người trong số này hiện đang giữ trọng trách tại các bệnh viện, ngành y tế địa phương. Vì vậy, họ rất tin tưởng vào tay nghề của những thầy ấy.

RÀO CẢN NGÔN NGỮ

Theo BS Đấu, một trong những trở ngại lớn trong khám, chữa bệnh cho người Campuchia là rào cản ngôn ngữ. Đa số người bệnh không rành tiếng Việt, còn phần lớn thầy thuốc lại không đủ vốn ngoại ngữ để tìm hiểu tiền sử bệnh lý, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.

Trong khi đó biên chế bệnh viện chưa cho phép tuyển thông dịch viên nên mỗi khi cần, bệnh viện phải nhờ người thạo tiếng nước bạn giúp. Tuy nhiên gần đây do lượng bệnh ngày một đông nên theo quy luật cung- cầu đã xuất hiện dịch vụ thông dịch.

Ngoài vai trò cầu nối cho người bệnh- thầy thuốc, họ còn kiêm luôn vai trò giao dịch, mua sắm cho người bệnh. Anh Lê, một trong những người đầu tiên tham gia làm thông dịch ở BBĐKHN, cho biết: Hiện có hàng chục người làm thông dịch chuyên nghiệp với giá bình quân 100 ngàn đồng/ngày. Một thông dịch có thể đảm đương 2-3 thân chủ. Tức mỗi ngày thu vào vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng với một số người như thế vẫn chưa đủ…

Ngoài thủ đoạn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân để “ém” tiền viện phí mà bệnh viện “thối lại”, các thông dịch viên còn câu móc với cửa hàng bên ngoài đưa thân chủ ra mua thuốc để hưởng hoa hồng từ những hóa đơn giá “trời ơi”. Bác sĩ Phan Văn Đấu xác nhận: “Chuyện “thông dịch viên” câu móc với cửa hàng thuốc bên ngoài là có thật, nhưng do luật không cấm nên chúng tôi đành chịu”.

Hành động “móc tiền” từ dịch vụ thông dịch đi ngược lại đạo lý, trực tiếp trục lợi trên nỗi đau của người bệnh, làm ảnh hưởng đến nghĩa cử đẹp dành cho nhau giữa hai dân tộc láng giềng.