Dịch thuật là một nghề nghiệp đòi hỏi sự tỉ mỉ và có vốn kiến thức về từ ngữ lẫn văn hóa phong phú của ngôn ngữ mình dịch và của cả chính tiếng mẹ đẻ của dịch giả nữa để có được những bản dịch chất lượng tốt. Sau đây, chúng ta hãy cùng tham khảo kinh nghiệm của một dịch giả đã trải qua  nhiều năm trong nghề về việc làm thế nào để có được những bản dịch hay và trở thành một dịch giả giỏi.

chia-se-kinh-nghiem-dich-thuat-cua-mot-dich-gia-giau-kinh-nghiem

Kinh  nghiệm khi dịch sách

1. Nội dung quyển sách phải làm mình hứng thú và tin tưởng: Khi chọn sách để dịch, mình chỉ chọn dịch những quyển sách mà mình “kết” về nội dung. Nếu không thích nội dung mình đang dịch thì khó mà dịch tốt được, đúng không? Hơn nữa, quyển sách phải làm mình tin tưởng là những gì mình dịch ra sẽ mang lại một giá trị to lớn cho độc giả.

2. Quyết định văn phong: Mỗi quyển sách phải đi đôi với một văn phong phù hợp: tình cảm nhẹ nhàng như quyển Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi, hay thuyết phục, dễ hiểu như quyển Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!. Trước khi dịch một quyển sách, mình sẽ quyết định văn phong nào phù hợp và đi theo lối viết đó.

3. Chia ra nhiều công đoạn dịch: Không ai có thể dịch một lần là hay được. Thường công đoạn dịch ít nhất phải có 3 công đoạn: một người dịch nháp (sát ý), một người biên tập (viết lại cho hay) và một người dò lỗi. Chỉ có như thế, lời văn trong sách mới trở nên thuần Việt và thoát khỏi lối viết tiếng Anh. Bao giờ khi dịch, mình cũng tự hỏi, người Việt nói ý này thì nói như thế nào?

Yếu tố cần có ở một dịch giả thành công

1. Niềm đam mê: Bất cứ công việc gì cũng đòi hỏi niềm đam mê của người thực hiện để hoàn thành công việc đó một cách xuất sắc. Đối với mình, chỉ cần nghĩ đến việc cầm trên tay những quyển sách mà mình xuất bản là mình cảm thấy thật sung sướng và có năng lượng viết tiếp. Sau khi sách xuất bản thì khỏi nói, mình cứ “ôm ấp, vuốt ve” “đứa con tinh thần” mãi thôi.

2. Tính kiên trì và biết cách tự động viên bản thân: Việc dịch một hai trang sách có vẻ khá đơn giản với một số người nhưng khi nhân 2-3 trang đó lên 100 lần thành 200-300 trang thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác, ít ra là đối với mình. Có những lúc cũng muốn bỏ cuộc giữa chừng nhưng nhờ quyết tâm “Đã làm gì thì phải làm cho đến cùng”, mình có thể xuất bản được những quyển sách một cách tốt đẹp.

3. Tính “hoàn hảo”: Đức tính này đặc biệt giúp mình rất nhiều trong khâu biên tập, khi mình phải căng mắt ra tìm và nhất quyết không tha cho bất kỳ lỗi nhỏ li ti nào trong hàng ngàn từ chi chít. Tuy nhiên, tính này cũng làm khổ mình vì khi sách xuất bản mà mình còn thấy lỗi dù nho nhỏ, không có tác hại gì đến nội dung thì mình cũng rất ngứa ngáy muốn sửa ngay… nhưng phải đợi lần sau.

Với những chia sẻ trên, hy vọng đã giúp ích được cho các bạn trẻ trên con đường trở thành một dịch giả chuyên nghiệp.