Vui buồn với nghề dịch thuật

Nghề dịch thuật – nghe có vẻ đơn giản, khiến nhiều người nghĩ rằng nó có gì để vui và buồn? Thế nhưng, khi nghe ông Hồ Văn Dõng (ngụ 64 Hai Bà Trưng, TP.Long Xuyên), một người đã theo nghề ngót nửa thế kỷ tâm sự, chúng tôi mới nhận ra góc khuất phía sau nghề vẫn còn nhiều điều đáng để suy nghĩ.

Khởi đầu là giáo sư trung học môn Tiếng Anh, ông Dõng dần chuyển sang làm phiên dịch cho những đoàn khách du lịch một thời gian dài. Khi ấy, nhu cầu dịch các văn bản, cataloge hàng hóa, giao tiếp với các nước Liên Xô, Đông Âu rất nhiều. Với thuận lợi là cử nhân Tiếng Anh, ông đã thực hiện tốt công việc của mình và ngày càng cảm thấy gắn bó với nghề hơn. Rồi khi nghỉ hưu, ông bèn mở một văn phòng dịch thuật tại nhà để tiếp tục theo đuổi công việc. Ngày qua ngày, từng con chữ, từng khách hàng để lại trong ông những hoài niệm sâu sắc.

Ông nhận dịch nhiều loại văn bản, thư từ, hợp đồng kinh tế, các loại hồ sơ du học bằng tiếng Anh và Pháp. Chính vì thế, khách hàng của ông thuộc mọi tầng lớp trong xã hội,… Tiền thù lao cũng chẳng nhiều nhỏi, chỉ vài chục nghìn đồng, tùy theo sự thỏa thuận của đôi bên. Công việc khá nhàn hạ, tùy thời điểm, ngày đông khách thì 5,7 người, ngày ít khách 1, 2 người hoặc có ngày cũng chẳng có ai. Do vậy, cuộc sống chi tiêu gia đình cũng tằn tiện theo, nhưng ông Dõng hài lòng với nó, bởi chỉ một lý do: Yêu nghề. Ông tâm sự thật lòng: “Với công việc này, tôi được tiếp xúc với rất nhiều người trong xã hội, tạo dựng được uy tín cho bản thân bằng những mối quan hệ tốt. Khách hàng đến với tôi cũng trút toàn bộ tâm tư, tình cảm thật của mình, với hy vọng tìm được sự tháo gỡ những gút mắc trong lòng. Và niềm vui khi giúp được họ phần nào chính là động lực giúp tôi tiếp tục theo nghề”.

Như một “kẻ sĩ” âm thầm, ông dựa vào những kiến thức cập nhật hàng ngày trên báo chí, internet… để giúp khách hàng mình. Nhiều cô gái trẻ ôm mộng lấy chồng ngoại quốc để thay đổi cuộc đời đã tìm đến ông để làm thủ tục hôn nhân, xuất cảnh, đều được nhận từ ông lời khuyên chân thành: “Chưa phải ra nước ngoài là được tất cả, và chưa phải ở trong nước là mất tất cả, cô hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định”. Ông nhớ lại, có vài trường hợp các cô gái bị cò môi giới (ông gọi chung là bọn “côn đồ” – PV) lừa gạt nhằm trục lợi, chẳng biết làm sao, cũng tìm về gặp ông mà than khóc. Ông lại phân tích thiệt hơn cho họ bình an quay về cuộc sống cũ làm lại từ đầu. Đến giờ, họ cũng khá giả hơn, cuộc sống ổn định phần nào, lại tìm đến ông cám ơn mãi.

Và như một sự thôi thúc của lương tâm, ông Dõng bắt đầu cung cấp cho khách hàng của mình, những người làm thủ tục ra nước ngoài theo dạng kết hôn nhiều địa chỉ quý báu, chính xác như Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự Việt Nam, các số điện thoại khẩn cấp (do Bộ Công an thông báo) để khi họ gặp chuyện không may có thể được cứu giúp. Rồi ông dặn họ nhiều cách khác như gửi thư về gia đình, ghi rõ địa chỉ mang đến ông, ông sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng giúp đỡ… Chỉ ngần ấy thôi, nhưng nó là hành trang quý báu mà khách hàng của ông mang theo ra xứ người.

Hiện tại, tình trạng kết hôn với người nước ngoài trên địa bàn đã giảm nhiều, ông Dõng xem đó là tín hiệu vui. Ông lại tiếp tục giúp đỡ một dạng khách hàng khác: Giúp những em học sinh nghèo vượt khó nhận được học bổng từ nước ngoài, thậm chí du học. “Nhiều em học sinh đến đây, chỉ có một niềm khát khao được đi học, trong khi gia cảnh quá nghèo, mẹ cha chỉ làm những công việc có thu nhập thấp. Tôi tư vấn cho các em kiến thức, thủ tục để nhận được học bổng, hướng dẫn người nhà làm các thủ tục cần thiết để lo cho các em học thành tài”.

Cùng người vợ hiền, cô Từ Thị Ngọc Diệp, ông Hồ Văn Dõng cảm thấy cuộc sống mình rất thanh thản, vô tư khi có thể góp sức phần nào cho xã hội. Từ những công việc có tên, không tên, bằng kiến thức và lương tâm của mình, ông biến công việc khô khan trở nên gần gũi với cuộc sống và đầy cảm xúc hơn. “Nghề dịch thuật rất cần lòng yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ và cái tâm trong sáng. Tôi tự dặn mình không bao giờ tiếp tay với bọn cò mồi, môi giới, phải sống thật với chính mình, giúp đỡ nhiệt tình khi mọi người tìm đến. Mỗi ngày tôi càng yêu nghề hơn, yêu cuộc sống này hơn”, ông Dõng tâm sự.